Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tuc ngữ Phong dao - một kho vàng chung của nhân loại

Tục ngữ phong dao - Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc

Tục ngữ phong dao - sách sưu tầm của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Mặc Lâm xuất bản, Yễm Yễm thư quán phát hành, 1967.


Tục ngữ:
Theo định nghĩa từ điển Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ: tục ngữ là câu nói gọn ghẽ về luân lý như: Tốt danh hơn lành áo, về tâm lý người đời như: Của người bồ tát, của mình lạt buộc, về phong tục như: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, về thường thức như: Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa, Ăn coi nồi, ngồi coi hướng... ban đầu do một người nói ra, rồi nhờ có ý nghĩa xác đáng, hay ho, nhiều người nhắc đi nhắc lại khi gặp việc thích hợp, lâu ngày thành lời nói khuôn mẫu.
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nxb KHXH năm 1988: tục ngữ là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân. Tục ngữ có câu "Đói cho sạch rách cho thơm".

Phong dao:
Theo định nghĩa từ điển Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ: phong dao là ca dao về phong tục.
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nxb KHXH năm 1988: phong dao là ca dao cổ.

Theo giải nghĩa các từ điển đã trích dẫn, cuốn sách của học giả Ông Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm các câu tục ngữ, ca dao trong dân gian, trong các sách cổ. Từ đó ông phân loại, cắt đặt hết sức cẩn thận và khoa học. Lời dẫn nhập sách học giả đã viết:

Còn mục đích quyển sách, thì cốt ở một điều là cứ theo như cái phong trào có mới nới cũ ngày nay, ai là người đã lưu tâm đến quốc văn quốc túy mà không lo sợ rằng những câu lý thú tối cổ của ông cha để lại, mà tức là cái kho vàng chung cho cả nhân loại nếu không chịu mau mau thu nạp, giữ gìn lấy, thì rồi tất mỗi ngày một sai suyễn, lưu lạc đi thực rất là đáng tiếc.

Cho nên chúng tôi quả không sám kén chọn lựa lọc, san Thi gì.

Chúng tôi chỉ vụ thu thập, cho được nhiều câu, không phân biệt thế nào là thành ngữ, tục ngữ, lý ngữ, sấm ngữ, mê ngữ, phương ngôn, đồng dao, ca dao hay phong dao gì cả. Đối với công việc sưu tập bây giờ, thiết tưởng ta còn phải quý hồ đa trước rồi nhiên hậu mới có nơi khảo cứu mà quý hồ tinh được.

Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) hiệu là Ôn Như, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, khai thác và phổ biến nền văn học dân gian.

Tuy vậy, học giả Nguyễn Văn Ngọc luôn là người cẩn trọng, khiêm nhường. Chúng ta dành sự kính trọng cho con người - một học giả lớn của đất nước đã ghi những dòng như sau:

Nếu chúng tôi làm quyển Tục ngữ Phong dao này, trên đối với Tổ tiên mà giữ được cái nghĩa vụ tồn cổ, dưới đối với quốc dân mà giúp được ít tài liệu trong khoa ngôn ngữ, trong bài văn thi, thì cái công chúng tôi sưu tầm và biên tập trong mấy năm nay cũng không uổng, mà chúng tôi đã tự lấy làm hân hạng vui lòng rồi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét