Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Cách ba nghìn năm của Cung Khanh - một viên gạch xây tòa lâu đài văn học kỳ ảo


Cách ba nghìn năm - truyện kỳ ảo của Cung Khanh
Cách ba nghìn năm - tập truyện ngắn của tác giả Cung Khanh, được nhà Đời nay (nhà xuất bản của nhóm Tự lực văn đoàn) in lần đầu vào năm 1942 (1944?). Trong hình là bản in năm 1964 của nhà Phù Sa.


Đó là những truyện cổ tích hiện đại viết cho người lớn. Đó là những câu chuyện phảng phất liêu trai. Dường như tác giả muốn miêu tả ranh giới giữa cảnh đời thực và mộng, giữa sáng và tối, giữa người, thần với ma quỷ, giữa thực tại với ảo giác, giữa những yếu tố đột xuất thần kỳ với những gì hằng thường vĩnh viễn. Phải chăng ánh sáng văn minh hiện đại đã làm mất đi những gồ tre om tối, những bụi cây âm u, những hốc tường đá tịch khô biết đâu là nơi trú ngụ của những tấm hồn u oải.

Chuyện kỳ ảo không quá xa lạ. Từ bé chúng ta đã được kể cho nghe truyện cổ tích, nơi có cô tấm bước ra từ quả thị, người ác biến thành con muỗi, hoàng tử đội lốt cóc, cây tre khắc nhập khắc xuất. Đời sống nông nghiệp, các tín ngưỡng dân gian cho ta nhận thức và cảm nhận dường như có một thế giới quan ngoài thực tại mà đôi khi ta chớm bước sang.

Hình thức kỳ ảo còn giúp cho tác giả khéo léo gửi gắm những bài học có tính chất ngụ ngôn, chiêm nghiệm trở lại về đời sống thực tại, nhắc nhở phân biệt điều thiện - ác, thật - giả.

Nhiều truyện ngắn trong tập này giúp người đọc cảm nhận được tính thần thoại, chất kỳ ảo ngay từ cái tựa như: Hoàng kim ốc, Người con gái thần rắn...

Nói thêm về dòng văn học kỳ ảo, nhà nghiên cứu Phong Điệp đã viết:

Văn học kì ảo dẫu có nhiều biến chuyển theo điều kiện lịch sử - xã hội, dường như vẫn là một mạch chảy liên tục. Ma lực của kì ảo đã thu hút các thế hệ chủ thể sáng tạo văn học, từ nhân dân lao động, những người thấm đẫm nguyên lí Nho gia như Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền…, những trí thức Tây học như Nhất Linh, Khái Hưng, Thanh Tịnh, Đỗ Huy Nhiệm, Thế Lữ, Nam Cao… đến những người vốn không xa lạ với lí luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, lại hằng ngày tiếp xúc với nền khoa học kĩ thuật hiện đại như Đoàn Lê, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Phạm Ngọc Tiến, Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... Hành trình của dòng chảy kì ảo, vì thế, cũng góp phần phản ánh sự phức tạp và không kém phần sinh động của diễn trình văn học dân tộc.  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét