Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Tiết tháo một thời - những chuyện về khí tiết sĩ phu vang bóng một thời

Tiết tháo một thời - Toan Ánh
Tiết tháo một thời - những chuyện về khí tiết của sĩ phu nước nhà hồi Pháp mới chiếm đóng Việt Nam của nhà văn Toan Ánh. Sách in lần nhất năm 1957 tại nhà in Nguyễn Năng Thân - Saigon do Tác giả tự xuất bản.

Trích Mấy lời nói đầu đủ cho ta biết sách hay nhường nào:

Với hòa ước 1884, nước Việt nam công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp. Sự chung đụng Pháp-Việt đã tạo nên ở Việt nam 3 hạng người:

Hạng thứ nhất gồm những nhân vật như ông PHAN ĐÌNH PHÙNG, ông HOÀNG HOA THÁM là những người không chịu đựng được sự có mặt của người Pháp ở xứ mình, tìm cách vận động đuổi họ ra khỏi Việt nam...

Hạng thứ hai gồm những người như NGUYỄN THÂN, HOÀNG CAO KHẢI, những người biết lợi dụng thời cơ, biết nhân lúc giao thời, tìm lấy công danh phú quý...

Ngoài hai hạng người trên, còn một hạng thứ ba nữa:

Bọn người này tự biết mình tài không đủ đổi thay được cục diện, đành ôm hận sống một cuộc đời ẩn dật, không màng gì đến phú quý lợi danh, nhưng cuộc sống tối tăm ở nơi thôn dã, bao giờ cũng giữ gìn nhân cách.

Kẻ không biết thường gọi những người đó là nhà nho lỗi thời, người hiểu thì ai cũng phải công nhận rằng đó là những người không muốn quay cuồng cùng thời thế mà chỉ muốn giữ cái khảng khái của một thời...

Là kẻ hậu sinh, chúng tôi không giám phẩm bình những bậc tiền bối, nhưng chúng tôi tự nghĩ, trông gương những bậc tiền bối để dăn mình, âu cũng không phải là điều vô ích vậy.

Bởi vậy với cả một tấm lòng thành kính, chúng tôi cố ghi những điều chúng tôi đã được mắt trông thấy, tai nghe thấy, dù những điều ấy ngày nay chỉ còn là một dư âm.

Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916 - 2009), là nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam. Ông sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng.
Nhờ làm nhiều công việc khác nhau, như thuế vụ, thanh tra, dạy học...và hay thay đổi nơi ở, nên ông biết được nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao... và ghi chép một cách rất cẩn thận.
Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay của ông: Chiếc nhẫn quý, được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy. Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét