Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Tự lực Văn đoàn - văn đoàn đầu tiên của văn học Việt nam

Một số sách của nhóm Tự lực văn đoàn
Tự Lực văn đoàn là một câu lạc bộ viết văn do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) khởi xướng và bắt đầu hình thành vào cuối năm 1932, chính thức tuyên bố thành lập vào ngày thứ Sáu, 2 tháng 3 năm 1934.


Đây là một tổ chức văn học đầu tiên của Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại, và là một tổ chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn học của dân tộc Việt do tư nhân chủ xướng, không dính líu đến vua quan, thân hào như các thi xã kiểu cũ, và cũng không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực.

Trụ sở chính của văn đoàn đặt ở nhà số 80 phố Quán Thánh, Hà Nội. Đây vừa là tòa soạn báo Phong Hóa, Ngày Nay vừa là trụ sở nhà xuất bản Đời Nay. Ban đầu, bút nhóm chỉ có 6 thành viên, gồm:

Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), là Trưởng văn đoàn và cũng là Giám đốc báo Phong Hóa.
Khái Hưng
Hoàng Đạo
Thế Lữ
Thạch Lam
Tú Mỡ
Về sau, kết nạp thêm Xuân Diệu.

Bên cạnh đó còn có những cộng sự viên khác (không ở trong tòa soạn báo Phong Hóa và Tự Lực văn đoàn), gồm:

Các nhà văn, nhà thơ: Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách, v.v...

Các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức (tạo ra nhân vật Xã Xệ), v.v...

Một số văn nghệ sĩ kể trên, về sau đều thành danh, ít nhiều là nhờ người đứng đầu văn đoàn là Nguyễn Tường Tam. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì người đứng đầu ấy vốn là người có tài, có tâm và có tầm nhìn, biết đoàn kết cả nhóm trong một ý hướng chung, lại biết khơi gợi đúng thiên hướng của từng người mỗi tác giả trở thành một cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Như Khái Hưng được ông khuyến khích chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo Văn học tạp chí, Duy tân (dưới bút danh Bán Than) sang viết tiểu thuyết; Tú Mỡ được ông gợi ý chuyên làm thơ trào phúng; Trọng Lang được ông cổ vũ đi hẳn vào phóng sự; còn Thế Lữ dưới con mắt Nguyễn Tường Tam phải là người mở đầu cho "thơ mới", v.v...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét