Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

thơ Thế Viên - vài phẩm bình thuở ban đầu

Hương thơ sang mùa (Mùa lúa mới  - 1956)

Một vài nhận xét của Quang-Đạo về thơ Thế-Viên, trích trong tập Hương thơ sang mùa: giới-thiệu và phê-bình thơ.


***


Một trong những nhà thơ trẻ của xứ Huế là Thế-Viên. Thế-Viên đã làm rất nhiều thơ. Hiện nay Thế-Viên còn đi học nên ít nhiều nhìn cuộc sống bên ngoài cổng trường qua hàng phượng vĩ và tiếng ve sầu. Nên đọc thơ Thế-Viên, dù có buồn cũng vẫn vui, những giọt nước mắt chỉ là trong mộng. Lắng mình vào hồn dân-tộc giữa mùa Cách-mạng đang lên, Thế-Viên đã làm xong hai tập thơ: Người em xứ Bắc và Nhân-loại tình ca.

...

Sông núi từ lâu buồn cách trở

Ngậm ngùi xuân biếc tóc ai xanh

Tôi đâu dám khóc ngày dang dở

Chỉ ước hoa Xuân nở đậm cành.


Không dám khóc mà Thế-Viên đã khóc nhiều. Tâm tình của Thế-Viên là mối tơ vò, một vòng luẩn quẩn. Nhưng trong cuộc sống thực, cái khóc này không hại lắm, vì đâu có bằng nước mắt chỉ bằng tâm tình. Cái khóc xưa nay đã tạo bao giá trị lớn lao cho văn học như Lamartine đã từng khóc vì Graziella. Lời thơ của Thế-Viên ở đây không có gì mới lắm nhưng "ngoan" và "lễ phép" vô cùng. Xưa nay mấy người làm thơ đã khỏi vỗ ngực xưng "ta" và dù trong nghĩa thơ của nó dùng chữ "dám".

Có lẽ vì cái khóc của Thế-Viên không "nức nở" cho nên cái sầu của Thế-Viên cũng không đậm-đà. Thế-Viên còn trẻ, tuổi đời của Thế-Viên đang đến cái độ đượm nồng của yêu đương nên một sớm mai, Thế-Viên nhất quyết gởi lời tiễn biệt:

Thôi nhé từ đây chia cách hẳn,

Mây trời nhạt phấn nhớ xa xôi.

Tôi đang xây lại mùa xuân thắm,

Hoa nở muôn năm với núi đồi.

Phải, Thế-Viên đã biết chọn con đường đầy hoa cho cuộc đời mình. Đó cũng là con đường chung của dân-tộc. Tuy nói thế chứ suốt hai tập thơ chữ "Em" bao giờ cũng nổi bật trong câu thơ. Nhưng đố ai tìm được người em ấy của Thế-Viên mặt mũi như thế nào? Người em mơ hồ ấy chỉ là một bóng dáng, chỉ là một khối tình. Mà tìm biết làm gì? Vì thi nhân thường rất phức tạp trong việc quy định cho kẻ khác một ngôi thứ ở lòng mình, nhất là người ấy lại là một thiếu nữ.

...

Vào đây

Nước biếc xinh xinh,

Duyên tình đẹp đẹp

Hoa xuân nở sáng ngời ánh thép

Nụ cười xuân khép nép bên sông

Những cô thôn nữ má hồng

Chiều chiều giặt lụa chờ mong anh về.

Thật quá nên thơ! xuân ở giòng sông, ở nụ cười, đôi má, xuân ở cả mối tình, ở cả những thước lụa giặt bên sông... Cô thôn-nữ và tấm lụa của Thế-Viên ở đây gợi lên một cái gì xôn xao trong lòng người đọc. Chúng ta bắt đầu gặp những hình ảnh rất quen thuộc này trong ca-dao. Cô gái quê kia biết thẹn, rất giàu tình cảm, giữ được cái cốt cách lãng mạn kín đáo của người đàn bà Việt-Nam.

...

Hiện nay hướng thơ của Thế-Viên tuy đã có, nhưng chưa đến độ thật trưởng thành. Trên đường đời, biết đâu con sông ấy còn thay giòng. Chúng ta chưa vội nói nhiều về lối thơ diêm dúa của Thế-Viên. Tuổi trẻ và thi tài của Thế-Viên còn hứa hẹn với chúng ta nhiều lắm. Riêng tôi, tôi tin Thế-Viên sẽ làm được những gì giá trị hơn nữa.







Đây là Thế Viên những năm sau, trên Giai phẩm văn nghệ Tân phong, tập 16, ấn hành 5/3/1960, do dịch giả Bảo Sơn chủ trương:


 





0 nhận xét:

Đăng nhận xét