Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Chiều thương đô thị - một tuyệt phẩm, một gợi ý về đêm giã từ... giã từ...

 

Phi Nhung trong clip Thuý Nga Paris trình diễn "Chiều thương đô thị"


Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô.


***


Tôi nghĩ Thúy Nga Productions thành công khi tạo ra video bài hát này. Clip này đã trở thành tuyệt phẩm trên nhiều phương diện. Sân khấu tràn đầy những biểu đạt. Phi Nhung rất thần thái và giàu cảm xúc. Phối khí chủ đạo guitar và tiếng trống vỗ, vừa lôi cuốn, vừa tâm tình ấm áp. Tất nhiên lời bài hát thì chúng ta sẽ nói nhiều hơn một chút.


Trong khi tôi tắm, thực sự là vậy, trong khi tắm, tôi mở nghe bài này trên điện thoại. Dù âm thanh khá mono nhưng trong vô thức, tôi có thể bắt được những điều thú vị muốn trượt qua đầu như điện xẹt. Thật may trong nhiều "cú" nắm bắt, tôi tóm được kha khá ý. Nhưng hẳn rồi, viết ra điều mình suy nghĩ thật khó. Tôi cảm thấy rằng tôi đã tóm được số ý bằng 80% những gì xẹt qua đầu tôi. Và khi viết ra đây, tôi khó khăn với việc sắp xếp và những lẩn vẩn xung quanh khiến cho số ý viết được ra chỉ còn 70%. Như vậy tôi giữ lại nhiều hay ít những gì mình muốn?!


"Ôm súng cầm canh trông sao trời lấp lánh" và "Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình", đó là những hình ảnh Song Ngọc đã viết. Tôi tự hỏi rằng, đấy có phải một bên, một phía, một đối trọng hay sự gần gũi, một hình ảnh khác của "Đầu súng trăng treo" (Chính Hữu). Hai hình ảnh này, đâu là hình thực, đâu là gương phản chiếu. Đâu là tuyên truyền, đâu là sự thực. Đâu là diễn đạt và đâu là chân thành. 


Song Ngọc dường như ưu ái đối với trăng và ánh trăng, giống như Trần Thiện Thanh với chiếc áo xanh (Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh... Khi em đã yêu anh chàng áo rằn dọc ngang, mầu áo xanh rừng em nhớ mang... Em tôi không đẹp như người tưởng, không áo xanh áo đỏ thơm hương...). Riêng trong bài hát "Chiều thương đô thị", tác giả đã hai lần nhắc tới trăng: "Đêm, đêm ngắm trăng khuya" và "Chờ trăng thanh lên cao".


"Thôi nhé tôi đi, áo vương bụi đường. Nhớ đêm phố phường, người ơi lúc đèn buông". Một lời chào với luyến tiếc xa xăm, nhưng bỗng được kéo gần lại với nhớ thương cụ thể lúc phố phường lên đèn. Phố lên đèn và nhân vật bước ra phố, đó là một gợi nhớ tới những truyện ngắn của Thanh Nam. Tôi thực sự nghĩ rằng, ra phố lúc lên đèn, đó là một "cụm không - thời gian" thuộc về Thanh Nam, của Thanh Nam phát minh ra. Điều gì khiến chúng ta nhớ về thành phố này - thành đô - Hà Nội. Tôi liên tưởng tới mỗi lần đi xa Hà Nội. Như một run rủi, tôi thường đi vào lúc phố lên đèn. Tôi có thể nhận ra, tôi nhớ Hà Nội khi tôi bắt đầu xa thành phố. Nghĩa là Hà Nội chỉ đẹp trong tâm tưởng, trong suy tư và trong nỗi nhớ về. Tôi đẩy suy nghĩ của mình đi xa hơn cả "cơn" nhớ này. Hà Nội lúc nhập nhoạng tối thì như thế nào. Vẻ đẹp của Hà Nội - những bóng sáng nhợt nhờ, ở phi trường khi tôi đứng nhìn ra đường băng lúc chờ tới giờ bay, ở trong một toa khi tầu lăn bánh từ ga Giáp Bát. Đèn đường vàng vọt là cố nhiên. Nhưng nó trở nên vàng hơn khi phản chiếu vào những tấm lưng tường. Màu vàng đã là một thứ Hà Nội chuộng, sơn phết vào bất cứ diện tích nào có thể sơn phết. Và ánh điện từ những ngôi nhà thấp vừa thoát ra được khi mắt người đưa tới thì bị nhoè đi vì tàu bắt đầu lăn nhanh. Sự nhợt nhạt ấy khiến tôi liên tưởng tới những "ánh lửa", những "điểm lửa" mà Mai Thảo nhắc tới trong kiệt tác "Đêm giã từ Hà Nội". Bởi vì "điểm lửa" là hình ảnh của chiến tranh đô thị. Nó khác với lửa nhân tạo, lửa thép trong rừng - bừng bừng, ngùn ngụt, lồng lộng, mà Phan Nhật Nam mô tả. Và chúng ta cũng có thể thấy trong clip, bên cạnh những chiếc lá vàng, khung nền đỏ lửa, là hình ảnh những đài lửa nhỏ, tượng trưng về những "điểm lửa". Bài hát cho ta viễn mộng về sự nhã nhặn của người đi, nhưng sân khấu lại gợi nhắc về những rình rập của lửa đạn. Chiến tranh thật xa mà cũng thật gần.


"Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô". Thu gió và lá vàng đổ, cố nhiên, từ lâu là những điều rất quen thuộc. Nhưng khi nghe "Reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu" thì chữ "chinh phu" làm tôi liên tưởng ngay tới hình ảnh người "chinh phu" trong cổ văn "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch) với "Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt. Xếp bút nghiên theo việc đao cung".


Giấc mơ được trở lại kinh thành, hai người bạn kề vai nhau, vừa đi vừa hút thuốc "trong lòng phố vắng, tâm tư qua làn khói trắng" lại gợi cho tôi nhớ về truyện của Hoàng Ngọc Tuấn. "Quán qua đêm" như một ví dụ, hay một ám ảnh, về một khối buồn nặng trĩu vì chiến cuộc như tảng đá đêm khô khát đợi mưa. Trở lại thực tại vẫn là hai người hai nơi nhớ về nhau, mỗi người theo đuổi một "chiến trường" và như một người thật đặc biệt đã viết: "Nắng đẹp của bình minh đang hé chờ. Nỗi buồn buổi biệt ly sẽ xóa mờ. Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó. Đừng lưu luyến gì đây. Thôi bọn mình chia tay. Thôi bọn mình chia tay".



Hà Nội những ngày buốt lạnh - một đặc ân, bởi vì khi ngồi viết những dòng này với chăn bông chùm kín, tôi thấy ấm lại và... được giải thoát.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét