Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Hania - bài học về sự yêu lấy bản thân mình

 

Hania - tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz, nxb Văn học, 1988


Hania, cái tên cho ta biết ngay của một phụ nữ. Và chắc là phụ nữ đẹp thì mới có chuyện để nói. Cả một cuốn sách, không mỏng lắm, cơ mà!


***


Phải, Hania của chúng ta (bạn sẽ nói như vậy khi đọc xong câu chuyện) được mô tả rất xinh đẹp. Nàng là trung điểm của tam giác: tình yêu thương – tính sở hữu – lòng tự trọng. Bi kịch xảy ra khi cả ba nhân vật, mà người ta cho rằng đây là mối tình tay ba (dù tôi không nghĩ như vậy vì Hania có chia đôi tình yêu trai-gái cho cả hai người đàn ông quanh nàng đâu), đều có tình yêu thương, mong muốn sở hữu người mà mình dành tình yêu thương cho, và lòng tự trọng. Như vậy hẳn nhiên, đã có một xung đột, bởi vì 3 yếu tố này, tự chúng đã xung đột từng đôi một và là khởi nguồn của bi kịch.


Trong câu chuyện này, lòng tự trọng là một cứu cánh cho các nhân vật, giữ cho sức sống bền lâu của tiểu thuyết Henryk Sienkiewicz. Bởi vì chính sự tự trọng đã giúp cho Hania – người phụ nữ mà trời “lỡ” ban cho xinh đẹp (xinh đẹp là một cái tội – tất nhiên) cuối cùng đã chọn cách sống thương lấy chính mình. Nhưng xin lưu ý rằng, lòng tự trọng này chỉ đẹp và thực sự có ý nghĩa (hay có giá trị) xuất phát từ trong con người của Hania - một sự chối từ thương hại, nói không với lớp vỏ tình yêu bọc hoàn toàn bằng lý trí. Nhân vật còn lại - hai chàng trai, sự tự trọng của họ chẳng qua là sự kiêu hãnh, bản chất ăn thua, máu “đàn ông” mà xã hội gán cho họ (cần phải có) mà thôi.


Ở đoạn cuối truyện, Hania đã thốt lên rằng những người quanh nàng thật tốt bụng và cao thượng. Như vậy nguồn cơn của bi kịch chỉ có thể suy đoán là do nàng. Duy nhất nàng gây ra tội lỗi. Đây là sự tỉnh táo, hay còn là sự thức tỉnh trong Hania. Suốt chiều dài câu chuyện, Hania được khắc hoạ mờ nhạt. Nàng là một cô thôn nữ bình thường. Tất nhiên, nét xinh đẹp của nàng là nổi trội. Nhưng Henryk Sienkiewicz chỉ cho nàng có thế. Tác giả đã để dành đến cuối truyện, lời thở than của Hania chính như sự tỉnh thức lí trí trong con người nàng. Một sự trưởng thành sau từng trải. Người đọc nhận ra trong suy nghĩ ấy của Hania, có chút gì mai mỉa, chua xót. Nàng thương thân mình. Nàng nhận ra nhân thế là như vậy đấy, mà không phải vậy đâu. Con người, chỉ đầy kiêu hãnh và định kiến mà thôi. Quyết định sau cùng của nàng, chọn con đường thương lấy bản thân mình, tìm lối thoát cho mình, và cũng là một cách giải quyết nhân văn.


Vẻ đẹp của Hania đã trở nên thánh nữ, một phần là vì, ít người, rất ít người, có thể và biết, chọn lấy cách sống thương lấy bản thân mình như vậy.


P/s: tôi coi thường (nói vậy thì chưa hẳn đúng, không hẳn thế), đúng hơn, có thể nói rằng tôi không mấy chú ý đối với những cuốn sách thời bao cấp như thế này. Ở địa hạt của sưu tầm, tôi đã thiếu sót. Ở địa hạt của người đọc, tôi là kẻ định kiến. "Hania" đã đến vào thời khắc tôi "chọn đại" cái gì đó để đọc. Và tất nhiên tôi phải thay đổi định kiến này. Phải thay đổi!





0 nhận xét:

Đăng nhận xét