Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Th.Trâm - một viễn tượng của Thảo Trường

Th.Trâm - truyện dài của Thảo Trường - nxb Gió 1969

Bắt chước chuyện về một con chó biết nói, trong lúc kể chuyện đời mình (bằng tiếng người), nó tự hứa sẽ tự cắn vào lưỡi mình mỗi khi, trong câu chuyện, đả kích một ai đó.

Tôi sẽ cắn vào những ngón tay, khi tôi nói triết lý. Nếu vậy thì bài này sẽ là bài viết cuối cùng vì sau đây, tôi chẳng còn ngón tay nào mà đánh máy.


***


Câu chuyện khởi đầu với cuộc điện thoại giữa một bên là nhân vật chính, tên Viên, đầu dây bên kia là một người phụ nữ được biết đến với cái tên Th.Trâm. Đoạn hội thoại lắc léo, vui vẻ qua điện thoại giữa hai người chưa từng gặp mặt nhau, báo hiệu nhân vật người lính (nhân vật tên Viên) của Thảo Trường đầy lịch lãm, yêu đời. Và từ những miêu tả hứa hẹn của Quì (người lính cùng phòng với Viên, người biết và giới thiệu Th. Trâm cho Viên), cùng với giọng điệu thước tha của người con gái, Th. Trâm như ẩn hiện sau lớp voan che đi khuôn mặt kiều diễm và một tâm hồn thánh thiện.


Bối cảnh đẹp này được Thảo Trường đóng khuôn lại hoặc nếu có một chiếc hộp quý, hình ảnh mường tượng về Th. Trâm (của Viên và của độc giả coi sách) sẽ được đặt vào chiếc hộp rồi yên vị ở một nơi trang trọng nhất của phòng khách.


Viên bước ra khỏi cuộc điện thoại dài, như thoát ra từ một thế giới thần tiên, tức khắc chìm ngay vào sinh hoạt thường nhật, với những hỉ nộ ái ố, với những cám dỗ mà một mặt anh phải vừa làm sao khước từ (để còn có một tấm vé trở lại thế giới thần tiên), một mặt lại khơi gợi trí tò mò khám phá (mà ai trong chúng ta cũng thấy sự chối từ thật khó khăn). Th. Trâm vừa là hình bóng người phụ nữ đẹp từ thế giới thần tiên, nhưng cũng là một ảo ảnh. Ảo ảnh thì lôi cuốn nhưng xa vời đến mức sức hút trở nên lơi lỏng. Cám dỗ bao giờ cũng kề bên, đủ gần để dù Viên có hiểu biết tất cả những điều này, thì vẫn cứ sa ngã. Cám dỗ có sức làm cho ta quên đi sự trừng phạt của lương tâm và ngăn trở con đường đến với chân - thiên - mỹ.


Th. Trâm, một cái tên thiếu, một sự thực bị che nửa, một gần gũi bị cách trở, một nửa chân-thiện-mỹ trong mỗi chúng ta chưa được tìm thấy. Th Trâm như một tiếng thở dài, như Thời Trâm - Trâm của một thời một khoảnh khắc. Đó là một sự thực (Trâm - tên người con gái) nhưng bị bỏ ngỏ (Th. không ai biết đầy đủ nhưng ai cũng có thể đoán được đầy đủ).


Trong sự bùng nhùng của mớ tình cảm khó gỡ, nhất là khi người lính ở trung tâm, tại nút thắt, thì kết cục người lính mất đi là một kết cục chung mà dường như Thảo Trường cũng áp dụng giống như một vài tác giả khác, như một giải pháp tình thế an toàn và phương cách dễ để tháo bỏ mối rối. Nhưng cái chết của Viên là một cách làm khác của Thảo Trường. Kịch bản này khiến tôi liên tưởng đến cái chết lãng nhách của những gã giang hồ mã thượng, những anh hùng du đãng của Duyên Anh. Vì sao nhỉ?


Cái chết là sự thật con người phải đối mặt. Cái chết cũng giải quyết được hầu hết vấn đề. Có muôn vàn cách chết. Cái chết đẹp chỉ mang tính tuyên truyền có mục đích. Người viết đã xem một clip trên chiến trường, lính Nga bắn vào một tù binh Ukraine khi người tù binh này hô "Ukraine bất tử". Có lẽ sự việc đưa vào văn thơ sẽ thực hoành tráng. Nhưng hình ảnh thực tế thì thảm hại. Viên bị rắn cắn chết (chứ không phải địch giết), cũng dư thừa thảm hại. Kết cục kéo chúng ta về với thực tại, rằng hẳn ngoài kia, có một người như Viên và nhiều người khác nữa, hay là cả chính chúng ta, đang sống đấy và cũng đang mơ mộng đấy.


Quay lại với Th.Trâm. Cô ấy là một viễn tượng do Thảo Trường tạo ra. Nhưng rất có thể, thậm chí trong một cơn say, một phút bồng bột, một khoảnh khắc bốc đồng, một giây phút phải lựa chọn, chính ta cũng sẽ tự tạo ra một viễn tượng như vậy. Bởi vì nếu không có ảo ảnh đó, thì chắc bạn cũng hiểu đời sống của chúng ta sẽ hủ bại đến mức nào.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét