(Duyên Anh)
Tôi không biết Đại Cathay nào cả; nhưng Trần Đại, thì có.
Như cách mà những ngòi bút lớn lao thường làm, Duyên Anh Vũ Mộng Long của chúng ta đã cúi xuống thật thấp, nhìn ngắm thật gần những con kiến cô độc. Kiến thật nhỏ bé, lầm lũi và mỏng mảnh như những con người bị xã hội chối từ.
Trở lại năm đầu thập niên 60 (1960 - 1965) tại Saigon, sau đợt chỉnh lý vì đảo chính 1963 (hay còn gọi là cuộc cách mạng 1963), Duyên Anh Vũ Mộng Long đang sôi nổi "cách mạng", "thanh niên", "chiến đấu", "tuyên huấn" bỗng như đổi hướng ngòi bút của mình sang những câu chuyện nhiều ưu tư, quan tâm đến những thân phận bị đè nén trong xã hội. Nền kinh tế Saigon thêm nhiều tăng tiến, phát triển. Ô tô xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa. Cũng là lúc những mái nhà nghèo thêm lụp xụp cụp xuống. Cuộc sống tầng lớp dân nghèo lún sâu xuống hố bần cùng. Tầng lớp danh vị trên cao càng tranh đoạt bao nhiêu, dân chúng phía dưới hứng chịu bất công bấy nhiêu. Những nhóc tì, những nhô con, hay những chú bò sữa của Duyên Anh loay hoay không biết phải đi đâu về đâu khi mà nấc thang học trò - chán đời - thất học - đi hoang - phạm tội, dần thu hẹp khoảng cách. Vậy thì ngựa chứng của Vũ Mộng Long được "nâng cấp" lên du đãng, sớm muộn chẳng mấy hồi.
Chiến cuộc những năm này trở đi tăng tiến độ khốc liệt. Lực lượng miền nam đã định hình và lộ diện. Ông kẹ USA trực tiếp nhảy vào trận địa. Chiến tranh - chiếc cối xay người, sản phẩm từ đó chỉ gồm máu, nước mắt và không gì khác ngoài hận thù.
Như cách mà những ngòi bút lớn lao thường làm, Duyên Anh Vũ Mộng Long của chúng ta đã cúi xuống thật thấp, nhìn ngắm thật gần những con kiến cô độc. Kiến thật nhỏ bé, lầm lũi và mỏng mảnh như những con người bị xã hội chối từ.
Trần Đại, James Dean Hùng không phải thoát thai từ hình mẫu nào đó, càng không phải Đại Cathay - trùm du đãng Saigon một thời, họ là chính họ, họ là nhân vật của Duyên Anh - đặc sản của Duyên Anh. Bởi vì, những nhô con, những ngựa chứng, những tên du đãng hay những nhân vật của Vũ Mộng Long ấy, luôn coi sách "Luân lý giáo khoa thư", "Địa lý giáo khoa thư", "Việt Nam sử lược" làm tôn chỉ để hành động, để sống, phiêu lưu và làm du đãng. Có nghĩa, Duyên Anh chủ trương xây dựng những giáo khoa thư như ngôi đền linh thiêng, để từ trẻ - già, lớn - bé, từ người tốt đến kẻ xấu, từ người nghèo đến kẻ giầu, từ dân thường đến quan lại... tất cả, mỗi khi bước qua cổng đền, đều phải ngã mũ, nghiêng mình cẩn kính.
Nhưng mộng ước đó đâu dễ dàng xuất hiện ở thực tại. Bởi vì những lứa chính quyền không chấp nhận ngôi đền linh thiêng từ Duyên Anh xây dựng. Với tầng lớp trên, ngôi đền linh thiêng của họ, duy nhất chỉ tiền bạc và quyền lực. Duyên Anh bị mắc kẹt giữa những chính quyền. Và Duyên Anh chọn cách chống lại bất công, tha hóa. Một lựa chọn đầy khắc nghiệt.
Dường như Duyên Anh nhận ra sự thực phũ phàng đó. Một lần nữa, ông vận dụng cách mà những nhà văn lớn theo đuổi, một tinh thần vị tha. Một tư tưởng kết nối và tập hợp. Duyên Anh kết nối nhô con, Duyên Anh tập hợp du đãng. Để làm gì, để Duyên Anh chống cái xấu, xây dựng xã hội tốt đẹp. Để tất cả mọi người bước vào ngôi đền thiêng đều biết kính cẩn lễ phép. Trớ trêu thay, tinh thần chống để xây, ngược lại hoàn toàn với những hội đoàn, những đội nhóm, chỉ biết lợi dụng chống để phá, chỉ biết tới cách mạng để lật đổ mà không phải tinh thần Duyên Anh - cách mạng là chung tay xây dựng.
Duyên Anh đã viết, như những vết mài xát, làm trong thêm viên ngọc nhân cách của du đãng, và tinh thần Duyên Anh tỏa sáng:
"Chống lại bản thân mình, giai cấp mình, xã hội mình, thế giới mình, tổ chức mình và tư tưởng mình. Như thế gọi là du đãng tâm hồn".
Chính mộng ước và tinh thần Duyên Anh hơn một lần, đã giáng lên đầu Vũ Mộng Long những đòn chí mạng.
Đối với Duyên Anh, chiến tranh đồng nghĩa hận thù. Không bao giờ chiến tranh mang lại hạnh phúc. Cũng như James Dean Hùng nói với Năm Hòa Hưng: "Dao sẽ giết chết tình yêu". Chiến tranh chỉ làm người ta quên đi hận thù hay chỉ là bước đệm cho người tham chiến khắc sâu hận thù (Năm Hòa Hưng chọn đi lính vì súng đạn sẽ làm nó thích thú). Duyên Anh đã trả lời cho Nguyên Sa Trần Bích Lan rồi đấy, câu hỏi: "các anh muốn nhà văn, nhà thơ chiến đấu với tư cách người hay tư cách văn nghệ". Theo Nguyên Sa, chỉ có hai con đường: cầm súng lao ra trận như người lính hay viết văn thơ để khích lệ người lính. Câu trả lời của Duyên Anh đây: Duyên Anh chối từ chiến tranh. Duyên Anh phản chiến nồi da nấu thịt. Nhưng Duyên Anh không thờ ơ với nỗi đau dân tộc. Gánh nặng tổ quốc - trách nhiệm - danh dự vẫn nồng ấm chảy trong giòng huyết quản của nhà văn:
"Cũng như tổ quốc, dân tộc hạnh phúc, độc lập, dân chủ tự do là lý tưởng của những nhà chính khách. Trần Đại thản nhiên công nhận lý tưởng của hắn là chính đáng. Hắn tự hỏi bao nhiêu lần hắn đã làm cho non sông này điêu đứng chưa? Chưa một lần nào. Thế nhưng bất cứ đứa nào, khi kết án du đãng cũng nhai lại các công thức cũ rích là du đãng làm ung thối xã hội. Cái xã hội Việt Nam này, có du đãng hay chẳng có du đãng, nó đã ung thối rồi. Những đứa tạo ra tình trạng ung thối là những đứa lên án du đãng nặng nhất. Chúng nó dùng du đãng để che lấp mọi tội lỗi của chúng. Du đãng bị hất hủi, xua đuổi khỏi cuộc đời một cách tàn nhẫn. Đã đi vào bóng tối của đồi trụy, du đãng càng tiến sâu vào rừng đêm mù tịt. Du đãng lạc lõng trong xã hội ích kỷ, đạo đức giả, thối nát... Và du đãng nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội. Xã hội lại bai bải cái mồm kết án du đãng. Du đãng lại trả thù nặng hơn. Cái vòng lẩn quẩn cứ thế kéo dài năm này tháng nọ. Xã hội chỉ vẽ giùm du đãng con đường dẫn vào trại Tế Bần. Những con đường đi Nông Sơn heo hút. Chứ tuyệt nhiên, xã hội không vẽ giúp du đãng con đường đi vào mái nhà cũ, tình thương yêu của gia đình."
"Có gì đáng gọi là hào hiệp đâu hở anh? Chúng tôi chống cai thầu Phúc để bảo vệ danh dự của những kẻ thấp cổ suốt đời bị áp bức, khinh bỉ. Chúng tôi cũng chiến đấu cho chúng tôi nữa."
"James Dean Hùng cau mặt:
- Rửa hận cho Bốn lơ xe anh cứ để mặc em. Em là đàn anh của nó, em sẽ lo vụ ấy. Còn anh, anh còn nhiều trách nhiệm.
- Trách nhiệm.
- Phải, anh còn trách nhiệm với anh em, trách nhiệm với Tường Vi và trách nhiệm với tương lai của con cái anh."
Trên kia, ta đã thấy tinh thần Duyên Anh: tập hợp để chống, chống lại để xây dựng. Chúng ta nhận ra thêm một điều nữa từ Duyên Anh, sự không khoan nhượng. Duyên Anh, thông qua du đãng, rạch mặt bọn đạo đức giả, lưu manh. Ông đặt ra một thứ luật: "luật du đãng. Chúng mình rạch mặt bất cứ đứa nào nếu chúng mình xét thấy nó là thành phần chó má. Nhiều khi tớ tự hỏi sao chúng mình không đi lính? Nhưng đi lính đánh nhau với kẻ thù mà ở nhà bọn chó má cứ phè phỡn, cứ khạc đờm lên mặt xã hội thì cũng chẳng ích lợi gì. Làm du đãng thực tế hơn, ghét thằng nào thịt thằng đó. Tớ không dám nghĩ chuyện cao xa, tớ nghĩ rất gần. Và tớ làm du đãng.". Rồi Duyên Anh thẳng thừng khẳng định: "Cách mạng là đu đãng có chánh nghĩa!". Đó là cách mạng đặc sản Duyên Anh, chứ không phải "cách mạng 1963".
Quay lại với các nhân vật. Liệu bạn thắc mắc, vì sao những tên du đãng lại dễ rơi lệ đến vậy. Người đô thị mau nước mắt, khóc vô tư và hồn nhiên thế ư. Không đâu, đó là niềm hy vọng của Duyên Anh. Ông gieo những hạt mầm niềm tin về nhân chi sơ tính bản thiện. Du đãng khóc, như cơn mưa ào đến gột sạch đô thị.
Du đãng vừa có "Luân lý giáo khoa thư" làm kim chỉ nam hành động, vừa mang tính bản thiện trong tâm hồn, kiến thức lại rộng rãi. Du đãng đẹp quá, mà sao bị xã hội ruồng rẫy. Du đãng sai hay xã hội sai. Để trả lời mối ưu tư đó, Duyên Anh đã bật sáng lên những ngọn hải đăng hy vọng từ người trí thức. Bác sĩ Niệm đã hối lỗi về quá khứ của mình, trở nên quý mến du đãng. Nhà văn Thiên Chương bênh vực Trần Đại và James Dean Hùng. Những người nhận ra du đãng không phải xấu xa còn ít. Duyên Anh muốn đó như vệt dầu loang. Giá như xã hội toàn những người trí thức, nghĩa là một xã hội tốt đẹp.
Truyện đã nhắc đến nhiều bộ phim. Hãy nói thêm về một bộ phim nữa, "Doctor Strange". Hẳn ta còn nhớ, một trong những nhân vật chính của phim, Ancient One (Thượng cổ Tôn / Pháp sư Tối cao) đã dạy Doctor Strange về cách sử dụng sức mạnh, trong đó dùng nguồn năng lượng từ bóng tối, để hành hiệp. Điều đó nghĩa rằng, các phù thủy tốt bụng đã chấp nhận dùng cấm thuật (black magic) - nguồn gốc tai ương có thể quay lại quật ngã chính người sử dụng, để, tìm cách bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cuộc sống cho mọi người. Một tình tiết thật đáng chú ý, khi Doctor Strange hạ được chúa quỷ Dormammu, ông vui mừng nhận rằng: "kết thúc rồi!". Nhưng Baron Mordo - đồng môn, người bạn của Doctor Strange lúc này đã cảnh báo việc Strange sử dụng năng lượng bóng tối làm việc tốt như sau: "Anh vẫn nghĩ sẽ không có hậu quả nào ư, Strange? Không phải trả cái giá nào ư? Chúng ta đã phá luật. Nợ sẽ đến lúc phải trả. Luôn luôn là thế. Sự phán xét.".
Liệu điềm báo là đây. Du đãng dùng tiền của những cô bồ gái bar, từ bắt địa, từ bảo kê... để làm việc trượng nghĩa ư. Hãy nhớ về bộ phim "Doctor Strange", từ đó để gây mối liên tưởng giữa năng lượng bóng tối và những đồng tiền không sạch sẽ, còn hành động nghĩa hiệp tương đương với việc làm tốt đẹp. Kết cục câu chuyện của Duyên Anh hẳn sẽ phải có và không khỏi tránh được, một phán xét. Nợ đến lúc phải trả. Hóa đơn xuất hiện khi đã đến hạn kỳ. Một cơn giông tố sẽ đổ lên đầu những nhân vật của Duyên Anh, để rồi sau mưa trời lại sáng. Duyên Anh đã rốt ráo kết thúc câu chuyện, cũng là dấu chấm hết cho những "người xấu" làm việc nghĩa. Và dường như du đãng "chuẩn" Duyên Anh, đã "tuyệt chủng" theo Duyên Anh.
Cuối cùng, chúng ta thấy cái chết của Trần Đại - bị điện giật khi trèo tường về nhà. Đó không phải là một lãng xẹt. Cái chết đó hợp lý. Nếu Trần Đại còn sống, Duyên Anh sẽ không thể sắp xếp cho kết thúc câu chuyện. Hay nói cách khác, sẽ không thể nào giải quyết xong xuôi vấn đề của xã hội, của thời đại: giải giáp du đãng.
Có thể bạn muốn rằng, Trần Đại sẽ làm một cú kinh thiên động địa, trời long đất lở, để rồi gục chết oai hùng. Điều đó thật hợp với tâm lý của bạn. Nhưng cái chết "hoành tráng" đó liệu cho Tường Vi sự tự hào. Người phụ nữ mang thai, lúc này, không cần bất cứ điều gì ngoài bóng dáng người thương yêu luôn gần gụi, luôn bên cạnh mình. Cái chết "hoành tráng" sẽ trở thành biểu tượng - biểu tượng âm ỉ đau thương, biểu tượng nuôi nấng hận thù, cổ võ bạo lực, biểu tượng dung dưỡng mối bận tâm vượt qua biểu tượng, hối thúc những nhô con "nâng cấp" lên du đãng. Bạn cũng không muốn như thế chứ. Gạt qua ranh giới mỏng mảnh để trở thành du đãng, thì cứ hãy để du đãng hồi quy giản dị như vậy. Duyên Anh ngay từ đầu đã sẵn sàng một lối về cho du đãng bằng những nhân vật không giết người. Những con kinh đen không thể nào cứ đen mãi. Sẽ đến lúc kinh đen đổ ra sông, để thế giới mới hòa tan những nhơ nhớp xã hội trút bỏ vào. Du đãng sẽ lùi vào dĩ vãng, khi mà xã hội trở mình tốt đẹp hơn.
Trần Đại ra đi khi trở về nhà. Phải rồi, rất nhiều lần và luôn luôn, ngòi bút của Duyên Anh hướng về nhà, về gia đình, tôn vinh gia đình. Nơi đó khởi phát những căm hờn, đẩy những con bò sữa vào thế giới du đãng. Nơi đó lại là vòng tay bao dung những tấm thân lỗi lầm. Trần Đại thâm thù gia đình biết bao nhiêu cũng vẫn lựa chọn hồi quy và lại vì gia đình tương lai của hắn. James Dean Hùng đã chọn gia đình bằng việc chăm sóc cho mẹ con Tường Vi. Du đãng làm thợ sửa Honda, du đãng lấy vợ bán cafe, du đãng chăm mẹ già. Trần Đại đã chết một cái chết mỏi mệt sau khi vẫy vùng vô vọng trong xã hội đẹp đẽ bề ngoài nhưng mục ruỗng tình người. Đó là cái chết trong những đô thị náo nhiệt mà đổ vỡ vì chính sự nhiệt náo đó. Đô thị vô hồn.
Tới người đã khích lệ bài viết này, một thân mến từ Tonkin!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét