Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2022

Phải lòng... truyện Lê Xuyên (2)

 

Chân dung Lê Xuyên

   Danh từ "thuần-tuý" đã bị lạm-dụng rất nhiều. Người ta đã phê-bình ông Phạm-Quỳnh về phương-diện thuần-tuý văn-học. Nhưng chính ông ta có phục vụ văn học một cách thuần-tuý không?

(Thiếu Sơn)


***

Mới rồi, một người bạn gửi chúng tôi xem vài hình ảnh chụp lại tờ tuần báo Nghệ Thuật, trang đăng bài viết của nhà văn Lê Xuyên.

Nếu đã từng đọc tác phẩm của nhà văn Lê Xuyên, chúng ta sẽ thấy vẫn con người đó với tâm hồn trẻ trung, hóm hỉnh, vui vẻ khi nói về việc viết  phơi-ơ-tông (feuilleton).

***


NÓI CHUYỆN GIỮA NHỮNG NGƯỜI VIẾT TIỂU THUYẾT NHẬT BÁO


1

Nội dung của phần trang trong cũng như trang ngoài của một nhật báo ở Việt Nam (ngay đến các cơ quan ngôn luận của các đoàn thể cũng vậy) đều phải nhằm vào việc cố làm cho tờ báo có độc giả, nghĩa là bán được. Do đó, tiểu thuyết đăng trên nhật báo (tập san Văn gọi là tiếu thuyết tân văn) cũng không thể... đứng bên lề mục đích ấy được. Điều này, tự nó, thiết nghĩ cũng chẳng có gì đáng tội cho lắm. Quan hệ là ở dân trí.

Một số phận... hẩm hiu riêng dành cho người viết tiểu thuyết trên nhật báo là họ luôn luôn bị ràng buộc vào vấn đề "ăn khách". Vì thế, họ không sao biết được sự ung dung sang cả của một người làm văn nghệ khi đặt công trình sáng tác của mình ra trước mắt độc giả.

Nói như thế không có nghĩa là nhất thiết bắt buộc người viết tiểu thuyết đăng nhật báo phải chạy theo thị hiếu của độc giả (chắc còn thiếu hai chữ "thấp kém" - thị hiếu thấp kém - mà toà soạn Nghệ Thuật hẳn đã cố tình... tha cho trong khi nêu câu hỏi gợi ý). Tiểu thuyết của bà Tùng Long luôn luôn khít khao với mẫu mực luân lý, vẫn được đông đảo độc giả theo dõi.

Hơn nữa, tôi nghĩ rằng với một sắc thái riêng biệt, với một lối xây dựng mới lạ v v... người viết tiểu thuyết đăng nhật báo vẫn có thể lần hồi lôi cuốn được độc giả. Theo ý tôi, sự thành công của một tiểu thuyết đăng nhật báo tuỳ thuộc nhiều ở phần kỹ thuật (một kỹ thuật rất phức tạp và luôn luôn mới mẻ nếu ta lưu tâm tìm tòi học hỏi) và cố nhiên là phải cậy đến nhiều tiểu xảo, đến óc tưởng tượng phong phú và đến cả sự quyền biến vừa nhặm lẹ vừa thích nghi của người viết nữa.

Nếu từ lâu người ta sẵn sàng xem cải lương là một bộ môn của nghệ thuật sân khấu có khía cạnh giá trị nghệ thuật riêng của nó, thì chắc rồi đây cũng không ai nỡ nhất loạt và vĩnh viễn đặt loại tiểu thuyết đăng nhật báo ra... "ngoài vòng pháp luật" của văn nghệ.

Nếu trước đây nhóm Tự Lực Văn Đoàn có một nhật báo trong tay thì chắc Nhất Linh, Khái Hưng cũng đã có dịp... viết feuilleton rồi.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng một tiểu thuyết đăng nhật báo vẫn có thể... "nói lên được một cái gì". Có điều là vì kỹ thuật bắt buộc sự nói-lên-được-một-cái-gì trong tiểu thuyết nhật báo phải được "pha" luôn và khuấy đều trong các tình tiết, các nhân vật, các gúc mắc trong truyện chứ không có thể "nói lên" một cách trang trọng như trong một tác phẩm văn nghệ.

Có lẽ người viết truyện dài nhật báo nào cũng hằng ôm ấp cái mộng tưởng là có được dịp "đăng đàn" một lần với đầy đủ bục cao và máy vi âm cho thoả chí bình sinh. Chỉ có mộng tưởng như thế thôi vì... luật lệ khắc nghiệt của "cái bang feuilleton" vốn dĩ tối kỵ với việc "đăng đàn" ấy. Và hễ phạm vào giới luật đó, một "cao thủ" cũng có thể bị mất cả chục "túi" dễ như chơi !


2

Nếu trang ngoài của nhật báo nhắm vào phần "bắt" độc giả thì trang trong lo việc "giữ" số độc giả ấy. Do đó, chắc người viết tiểu thuyết cũng không có sự lệ thuộc vào tờ báo nào khác hơn là hợp lực với các mục khác ở trang trong làm tròn việc "giữ" ấy. Có lẽ không có người viết feuilleton nào phải bận tâm cho lắm về đường lối chủ trương của tờ báo có đăng truyện của mình. Thường thường người viết cũng dễ dàng căn cứ theo từng báo mình cộng tác mà "điều chỉnh" ngòi bút nếu tự xét thấy cần. Đây là một vấn đề có tính cách hoàn toàn kỹ thuật cũng chẳng khác gì khi chụp ảnh ta phải điều chỉnh lại bộ phận thu nhận ánh sáng.


3

Có lẽ sự xác định thành phần độc giả căn cứ phần lớn vào chính lớp độc giả của tờ báo mà mình cộng tác.


4

Tôi đã hoàn thành được 8 truyện dài trên nhật báo, trong số này tôi thích nhất mấy truyện: Chú Tư Cầu, Rặng Trâm Bầu, Anh Ba Công Lý (tức Xinh), Kinh Cầu Muống... Những nhân vật "ruột" của tôi là: Tư Cầu (một thanh niên thôn dã hiền lành đến ngây ngô, đôi lúc sống buông thả theo bản năng nhưng cũng biết đam mê đến nhịp cùng của con tim), Bảy Núi trong Kinh Cầu Muống (một thứ Tứ Hải của thời kỳ kháng Pháp có đủ sự bê bối của một tên giặc cỏ nhưng cũng có thừa sự hào hiệp, sự cương trực của một "đại ca" trong giới anh chị), Ba Công Lý (một người dân hèn mọn mà thuật xử thế gồm trọn trong nguyên tắc "ai kêu cũng dạ" để ước mong được "yên thân mần ăn" nhưng lại luôn luôn là nạn nhân oan uổng của mọi biến động thời cuộc và của hoàn cảnh mà anh ta phải sống)... và cố nhiên còn một số nhân vật nữ "dữ dằn" khác nữa.

Nhân dịp này, tôi muốn nêu ra đây thêm một vài nhận xét nhỏ:

Nếu tiểu thuyết đăng nhật báo vẫn thường được coi như là một thứ con hoang (vô thừa nhận) của văn nghệ thì đối với chính nhật báo của nó được in lên, nó cũng chỉ được liệt vào hạng... con ghẻ (người viết feuilleton không được kể như là một nhân viên thường trực của toà soạn). Ngoài ra người viết tuyện dài đăng nhật báo cũng không được quyền có... "tuổi trẻ" (mầm non văn nghệ thì được, chớ có ai nghe nói đến... mầm non feuilleton bao giờ đâu !) và cũng không được quyền có "tuổi già" (có tờ báo nào chịu dành một khoảng trang trong để làm một thứ... trại tế bần, nhà dưỡng lão cho những ngòi bút về chiều đâu). Người viết truyện dài trên nhật báo chỉ có một tuổi duy nhất, đó là tuổi... "ăn khách". Tuổi ấy có lẽ còn bi thảm hơn... Tuổi Nước Độc nhiều !

Riêng trên phương diện "hành nghề" viết lách giữa một ngòi bút văn nghệ và một ngòi bút feuilleton, tưởng có thể đưa ra một sự so sánh giữa một chiếc xe hơi nhà thong dong chạy trên xa lộ Biên hoà với một chiếc xe... tạp xế rớ đâu là bị thổi tu-huýt đó. Và còn bị "kết án" là một thứ xe... kém thẩm mỹ và dễ gây nên tai nạn nữa !

Nhưng biết sao, đó cũng là một nghề kiếm cơm ! Một nghề khá vất vả, chẳng hiếm hoi buồn phiền, bực bội và nhất định là bạc bẽo rồi... Tuy nhiên, gần gũi với nó, người viết cũng có thể thu thập được một số vốn liếng không phải là vô dụng, nếu một mai họ có ý định viết sang loại tiểu thuyết... không đăng nhật báo.


Tuần báo Nghệ Thuật, năm thứ hai, số 
22, tuần lễ từ 12/3 tới 19/3/1966, trang 11


Tuần báo Nghệ Thuật, năm thứ hai, số 
22, tuần lễ từ 12/3 tới 19/3/1966, trang 12





0 nhận xét:

Đăng nhận xét