Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Bay đêm - Bạn có biết chuyến này tôi đi lúc vũ trụ còn ngủ say

Vol de Nuit của Antoine de St-Exupéry - Bay đêm bản dịch Lê Huy Oanh
Không biết tại sao, cứ mỗi lần nhìn thấy cuốn Bay đêm của Antoine de Saint-Exupéry - bản dịch Lê Huy Oanh do nhà Văn ấn hành, tôi lại liên tưởng đến bài hát Một chuyến bay đêm của Hoài Linh và Song Ngọc.

Về Song Ngọc đồng tác giả bài hát Một chuyến bay đêm, tôi không biết rõ lắm về ông. Chỉ chợt nhận ra một phong cách Song Ngọc, một hơi thở rất riêng của Song Ngọc từ nghe album 10 tình khúc Song Ngọc. Dường như những nhạc phẩm của ông có một tiết tấu khá đặc biệt, vừa chậm rãi mà không trễ nải dậm dề, vừa như hừng hực trong cảm xúc tha thiết tình cảm dành cho sự vật, sự việc và cho con người. Ca từ trong các nhạc phẩm của Song Ngọc dường như có một chất men lạ, những lời mang hơi hướm liêu trai, giàu tự sự, bình dị mà lại hết sức chắt lọc sang trọng.

Chúng ta hãy cùng nghe bài hát Một chuyến bay đêm để thấy thế này:

Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.
Cánh bằng nhẹ rơi trên làn gió.
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.

Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều,
Để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy Ngân Hà.
Giờ sống giữa lưng trời,
Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi.

Đêm nay chuyến bay trời xanh tựa màu áo.
Đường mình để (*) nhàn du khắp tinh cầu,
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào
Lâu lắm chẳng gặp nhau.
Bạn bè dù cách xa nào hay,
Tình nàng chửa nói nhưng mà say.
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài theo tìm trong chuyến bay.

"Có người hỏi phi công ước mơ gì",
"Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ chi.".
Ước rằng từ khi tung nhịp cánh tình ta yêu thương là gió nhân tình của mây.
Ở đời ai hiểu ai người bay trắng đêm dài,
Thì thức giữa đại dương, dù yên giấc ven rừng,
Bạn có biết chuyện này tôi đi lúc vũ trụ còn ngủ say.

Sao cứ có cái chất u huyền, khắc khoải nhân sinh quan như Antoine de Saint-Exupéry đã viết:

Bên dưới đôi cánh bay, những quả đồi đã rạch sâu thành đường xé nước thẫm màu trong ánh vàng ban chiều. Đồng nội rạng rỡ ánh sáng, sáng kéo dài đến bất tận: ở đất nước này đồng nội không khi nào ngừng hắt lên ánh vàng, cũng như vào lúc tàn đông, chúng không khi nào ngừng hắt lên màu trắng tuyết.
Đôi khi, sau trăm kilômét thảo nguyên còn hoang vắng hơn cả biển cả, anh bay ngang một nông trại hẻo lánh, anh chợt thấy như nó chở nặng những kiếp người lui lại phía sau, giữa những sóng cồn đồng cỏ, và thế là anh đã nghiêng cánh chào con tàu thủy ấy.

(*) có người cho là nghe hát thấy như: Đường Minh Đế nhàn du ngắm tinh cầu. Rất phiêu và huyền thoại! Tôi cho rằng nghe như vậy cũng là phải.
Sau khi đăng bài, đến hôm nay chúng tôi tìm hiểu thêm thì được biết câu hát trên chính xác là Đường Minh Đế nhàn du ngắm tinh cầu dựa vào tích Đường Minh Hoàng lên cung trăng ngắm tiên nữ múa hát.
Bàn thêm: cũng trong truyện tích, sau khi về lại hạ giới, Đường Minh Hoàng nhớ đến điệu múa của tiên nữ, kết hợp với điệu hát của các vũ nữ Bà La Môn san định lại thành ra khúc Nghê Thường (Nghê Thường vũ y - tức là vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa ngũ sắc). Ta có thể bắt gặp tích này trong ca khúc Tiếng xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét